ICT - Khoa học dữ liệu hiện đang được xã hội quan tâm, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, chính quyền... trong việc tổng hợp, phân tích thông tin, big data (dữ liệu lớn). Bắt nhịp cùng xu thế này, ngày 23/3, Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức "Hội nghị truyền thông và Báo cáo chuyên đề ngành Khoa học dữ liệu tại QNU". Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Thế kỷ 21 được xem là thời đại của thông tin và dữ liệu. Đây chính là nguồn “tài nguyên” vô giá mà các công ty, doanh nghiệp luôn muốn sở hữu để nắm chắc chìa khoá thành công. Trong khi nhu cầu ngày một tăng cao nhưng nguồn nhân lực về lĩnh vực Khoa học dữ liệu chưa đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay, do đó triển vọng nghề nghiệp của ngành này trong thời gian tới là vô cùng hấp dẫn. Riêng tại Bình Định, tính đến năm 2025, nhu cầu nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (AI) cần khoảng 2 000 nhân sự và sẽ còn tăng cao hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo. Sự có mặt của các công ty công nghệ uy tín hàng đầu tại Quy Nhơn, như TMA Solutions Bình Định, FPT Software Quy Nhơn, Fujinet Systems,.... đang tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập rất tốt cho sinh viên, học viên tốt nghiệp ngành Khoa học dữ liệu.
PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ cho biết, TP. Quy Nhơn đang từng bước phát triển để trở thành thành phố khoa học và trung tâm về AI, do đó ngành Khoa học dữ liệu là ngành học đáp ứng xu thế này. Trường Đại học Quy Nhơn là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trên cả nước đào tạo lĩnh vực Khoa học dữ liệu trình độ đại học và thạc sĩ. Trường có thế mạnh, uy tín cao về đào tạo, nghiên cứu các lĩnh vực Toán & Thống kê, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật & Công nghệ. Đây chính là những điều kiện quan trọng để Nhà trường đào tạo ngành Khoa học dữ liệu, góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho địa phương và khu vực.
Các báo cáo viên chia sẻ nhiều thông tin hữu ích tại hội nghị
Hội nghị với 04 báo cáo chuyên đề của các báo cáo viên là các chuyên gia thuộc lĩnh vực Khoa học dữ liệu trong và ngoài nước, đại diện cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, tập đoàn, cựu học viên cao học ngành Khoa học dữ liệu của QNU. Nội dung các báo cáo, trao đổi tập trung về một số ứng dụng mới nhất của khoa học dữ liệu, học máy và AI tạo sinh trong kinh doanh; xu thế, nhu cầu nhân lực ngành khoa học dữ liệu tại các công ty công nghệ và khu vực công của tỉnh Bình Định. Đồng thời các báo cáo cũng giới thiệu các chính sách học bổng, tài trợ của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của học viên tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu từ QNU.
Khoa học dữ liệu đã và đang thu hút tuyển dụng từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Vingroup, FPT, VNG hay các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI. Đặc biệt, những năm gần đây, lĩnh vực này là một trong những yếu tố hỗ trợ tiên quyết trong các lĩnh vực như kinh doanh, y tế, tài chính và nhiều lĩnh vực khác. Đối với các cơ quan hành chính, việc ứng dụng khoa học dữ liệu cũng rất quan trọng để cải cách, phát triển, xây dựng kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.
TS. Nguyễn Hữu Hà – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định nhận định: “Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước rất quan trọng. Do vậy, đào tạo nhân lực ngành Khoa học dữ liệu hiện nay là một xu hướng tất yếu, có tiềm năng không chỉ đối với các cơ quan hành chính mà còn đối với xã hội”.
Các đại biểu và sinh viên tham dự chụp hình lưu niệm
Từ năm 2020, VINIF đã tài trợ và hợp tác đào tạo thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu tại QNU với kinh phí 2 tỷ đồng/năm theo Đề án VINIF.2020.JM01.Nx. Đồng thời, VINIF cũng đã tài trợ 15 suất học bổng dành cho học viên cao học ngành Khoa học dữ liệu với giá trị 120 triệu/năm/học viên.
Năm 2024, ngành Khoa học dữ liệu trình độ thạc sĩ tại QNU có chỉ tiêu tuyển sinh là 40 học viên. Với những lợi thế về học bổng và cơ hội việc làm, Khoa học dữ liệu sẽ là ngành học đáng được quan tâm và sẽ là cầu nối giúp người học nâng cao nguồn thu nhập, cống hiến cho sự phát triển của xã hội.
Tham dự hội nghị có TS. Nguyễn Hữu Hà – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định; TS. Bùi Đức Quang – Giám đốc Công viên sáng tạo TMA, TMA Solutions Bình Định; Bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Bình Định; TS. Đào Duy Bộ - Chuyên gia về Khoa học dữ liệu và AI tại Trường Đại học Deakin – Úc, ThS. Nguyễn Quốc Dương - cựu học viên cao học ngành Khoa học dữ liệu của Trường, hiện đang công tác tại bộ phận Khoa học dữ liệu của Công ty TMA Solutions Bình Định.
Về phía Nhà trường có PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị: Phòng ĐT SĐH, Khoa Toán & Thống kê, Khoa CNTT, Khoa KT-KT, Khoa KHXH&NV, Trung tâm CNTT&TT cùng các giảng viên, học viên cao học ngành Khoa học dữ liệu và sinh viên của nhiều ngành đào tạo của Trường.
|
Minh Hiền
P. ĐT SĐH